Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em.
Còn theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình; Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ tình trạng này. Các con số thống kê cho thấy, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm.
Bạo lực gia đình – tảng băng chìm của nguy cơ tan vỡ hạnh phúcGần đây dư luận thực sự bức xúc khi trên mạng xã hội lan tràn hình ảnh video chồng đánh vợ và con thì đang nằm bên cạnh chơi điện thoại như không có chuyện gì xảy ra.
TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe Tâm Thần – BV Bạch Mai) cho biết, thực tế, bệnh nhân nhập viện sau những vụ bạo lực gia đình không chỉ những người vợ mà còn có cả các ông chồng.
TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền trong lần thăm hỏi bệnh nhân là nạn nhân của vụ bạo lực gia đình
Bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền cho rằng, đó có lẽ chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Bạo hành trong gia đình là một vấn đề không phải lúc nào cũng có thể nói ra hay chia sẻ vì nhiều lý do tế nhị, đôi khi cũng vì giữ danh dự cho gia đình. Nhưng sự chịu đựng nhẫn nhịn ấy đôi khi làm cho tình trạng bạo hành trong gia đình ngày càng tăng, vai trò của các tổ chức xã hội trong vấn nạn bạo hành mờ nhạt vì họ coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình không nên can thiệp vào...
Bác sĩ Huyền nhấn mạnh: "Bạo hành gia đình không chỉ dừng lại ở bạo hành về thể chất (đánh, tấn công, đập phá đồ đạc trong nhà) mà còn bạo hành cả về mặt tinh thần thông qua lời nói thái độ... Dưới hình thức nào thì ngoài ảnh hưởng về thể chất, gây ra thương tích cho cơ thể, việc này còn để lại những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm lo âu, hoảng sợ và những rối loạn liên quan đến stress căng thẳng".
Nhiều nạn nhân của bạo hành gia đình đã phải đến khám và điều trị tại Viện sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên đây chỉ là điều trị phần ngọn, còn vấn đề nguyên nhân sâu xa thì phải giải quyết những vấn đề trong chính gia đình đó với có thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Quan niệm bất bình đẳng giới là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn
Ông Lê Xuân Đồng - Chuyên gia Quốc Gia về Giới và Phát triển xã hội (Trung tâm nghiên cứu Môi trường và sức khỏe), chia sẻ, gia đình từ lâu đã được xem là "tế bào" của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, những giá trị này đang có những thay đổi nhất định nhất định, với cả những mặt tích cực và tiêu cực.
Ông Lê Xuân Đồng - Chuyên gia Quốc Gia về Giới và Phát triển xã hội (Trung tâm nghiên cứu Môi trường và sức khỏe)
Vị chuyên gia này đã đưa ra các thông kê cho thấy:
Về mặt tích cực: Tỷ lệ kết hôn ổn định, gia đình trẻ ngày càng có xu hướng độc lập và tự chủ hơn. Quan niệm về vai trò giới dần thay đổi, chia sẻ trách nhiệm trong gia đình được chú trọng hơn. Giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được quan tâm đầu tư.
Về mặt thách thức: Tỷ lệ ly hôn gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo thống kê mới nhất số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện nay tính đến năm 2023, lên tới mức 60.000 vụ/năm, trung bình cứ 04 cặp kết hôn thì sẽ có 01 cặp vợ chồng ly hôn. Bạo lực gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, bất hòa gia đình có xu hướng gia tăng.
Ngoài ra nhiều cặp vợ chồng, thanh niên chuẩn bị kết hôn còn thiếu hụt kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.
Có thể nói, bạo lực gia đình và quan niệm bất bình đẳng giới là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn, đặc biệt là bạo lực do chồng gây ra đối với vợ. Quan niệm gia trưởng, trọng nam khinh nữ cũng góp phần tạo áp lực lên người phụ nữ, khiến họ dễ dàng chịu tổn thương và muốn ly hôn để thoát khỏi cuộc sống hôn nhân ngột ngạt.
Quan điểm về hôn nhân cũng ngày một thay đổi, giới trẻ ngày nay có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, độc lập, ít chịu ràng buộc hơn so với thế hệ trước. Do đó, khi gặp mâu thuẫn, họ dễ dàng lựa chọn ly hôn thay vì cố gắng hàn gắn. Áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, ngoại tình, nghiện ngập... cũng có thể là tác nhân dẫn đến bạo lực và ly hôn trong gia đình.
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Người cha trách nhiệm” tại Tp Đà Nẵng do Trung ương hội Nông dân thành lập, với sự hỗ trợ của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA)
Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình:
Nâng cao chất lượng các hoạt động phòng ngừa bạo lực gia đình và nâng cao bình đẳng giới như Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình về mặt pháp lý và tâm lý. Xây dựng môi trường gia đình hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt cần chú trọng giáo dục tiền hôn nhân nhằm trang bị kiến thức về hôn nhân, giải quyết mẫu thuẫn phi bạo lực, giáo dục con cái… Việc tổ chức các khóa học tiền hôn nhân hiệu quả sẽ góp phần giúp các cặp đôi chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống vợ chồng qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, khuyến khích các thành viên gia đình tham gia các khóa học kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, giao tiếp thấu cảm... cũng là một giải pháp.
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Người cha trách nhiệm” do Trung ương hội Nông dân thành lập, với sự hỗ trợ của Quỹ dân số Liên hiệp quốc ( UNFPA)
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực theo quy định của pháp luật thay vì xem đó là chuyện riêng của mỗi cặp vợ chồng, chuyện riêng của mỗi gia đình.
"Tóm lại, nâng cao chất lượng gia đình là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Bằng cách chung tay thực hiện các giải pháp, chúng ta có thể góp phần xây dựng những gia đình hạnh phúc, bền vững, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển", chuyên gia Lê Xuân Đồng chia sẻ.